Thực ra đây là hai giống nho do Sở KH-CN Lạng Sơn đưa về và giao cho bà con thử nghiệm đó là giống Cự Phong và Tảo Hồng. Sau vài năm, 2 giống nho này đã khẳng định có thể trồng tốt ở Lạng Sơn. Chúng tôi luôn theo sát các thử nghiệm ở đây. Tới nay hoàn toàn tin tưởng rằng, cả hai giống nho này đều có thể canh tác tốt ở xứ Lạng. Ta có thể đưa chúng dần dần qua các tỉnh khác.
Giống Cự Phong sinh trưởng tốt. Từ lúc trồng cho tới lúc leo giàn là 100 ngày. 100% cây cho quả. Năng suất đạt 17 tấn/ha.
Giống Tảo Hồng sinh trưởng rất tốt. Từ lúc trồng tới lúc leo giàn chỉ có 90 ngày. 100% cây cho quả. Năng suất đạt tới 20 tấn/ha.
Anh Ba một nhà nông tiên phong trồng thực nghiệm cho biết: ước tính, lãi suất cho 1ha trồng các giống nho mới này khoảng 300 – 400 triệu đồng. Năm nay anh cho biết, nho lên rất tốt. Năng suất có thể đạt trên 500 kg/sào Bắc Bộ (360m2). Với giá bán khoảng 150.000đ/kg thì anh có thể thu tới trên 2 tỷ đồng/ha. Trừ mọi chi phí, gia đình anh cũng thu kha khá. So với các loại cây khác trong vùng, có lẽ 2 giống nho của anh Ba cũng sẽ được xếp vào loại cho thu nhập cao. Vì vậy, bà con mình rất nên học tập.
Nho là cây có những yêu cầu tương đối khắt khe về độ ẩm và lượng mưa. Lâu nay chúng ta biết, ở miền Bắc trồng nho rất khó vì độ ẩm cao. Nho không sợ điều kiện về nhiệt độ. Nó chịu được khoảng biến động về nhiệt độ rất cao, từ -20 độ C tới +45 độ C (tuy nhiên, nhiệt độ tối thích cho nó là từ 18 – 20 độ C). Nhưng nó không chịu được điều kiện ẩm độ cao. Khi ẩm độ cao sẽ phát sinh rất nhiều bệnh cho cây nho. Vì vậy, ở phía Bắc, đặc biệt là vùng Việt Bắc, trồng nho rất khó.
Nho cũng rất sợ những nơi mưa nhiều. Khi có mưa nhiều gây nên úng thủy thì bộ rễ của cây nho dễ bị thối và chết dần dần. Tuy nhiên, 2 giống nhu mới mà anh Ba đang trồng lại vượt qua được các điều kiện đó. Ở Lạng Sơn, mưa nhiều và ẩm độ nhiều tháng rất cao. Tuy nhiên, qua thử thách, cả 2 giống Cự Phong và Tảo Hồng đều vượt qua được. Đây có lẽ là điều mà bà con ta quan tâm nhất. Từ đó suy ra, rất nhiều vùng ở miền Bắc cũng có thể đưa nho giống mới vào vùng canh tác.
Ở Việt Nam, nho mới chủ yếu phục vụ cho việc ăn tươi. Việc chế biến nho còn rất hạn chế, tuy nhiên, trên thế giới nho trồng để chế biến là chủ yếu. Vang nho, rượu nho, siro nho, nho khô… được tiêu thụ rất mạnh. Với nhiều nước và nhiều vùng ở một số quốc gia, nho là nguồn thu chủ yếu của họ và họ đã giàu lên từ nho. Nếu chúng ta mở rộng được diện tích trồng nho thì việc chế biến chắc chắn sẽ được xúc tiến. Nho qua chế biến sẽ cho ta nguồn lợi gấp nhiều lần so với kinh doanh nho tươi.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường vẫn căn dặn các địa phương phải tích cực phát huy các tiềm năng và lợi thế của mình để cơ cấu lại sản xuất, tăng thu nhập cho nhân dân. Tôi nghĩ rằng, với các giống nho thích hợp này, nhiều vùng ở phía Bắc có thể đưa chúng vào canh tác.